Axit folic, một loại vitamin rất sẵn trong rau lá xanh, có thể “loại bỏ” được thạch tín trong huyết mạch những người bị nhiễm độc chất này từ nước ngầm, một nghiên cứu mới đây tại Bangladesh cho thấy.
Thạch tín (arsen) là một trong những chất độc tự nhiên tồn tại trong đất và nước. Nhiễm độc asen mãn có thể kéo dài trong nhiều năm do sử dụng nguồn nước nhiễm thạch tín và nó liên quan với căn bệnh ung thư da, ung thư gan và ung thư bàng quang; các thương tổn ở da và bệnh tim mạch.
Có khoảng 100 triệu người trên khắp thế giới bị nhiễm độc arsen mãn và đặc biệt nghiêm trọng là Bangladesh (nơi hàng triệu giếng nông được đào từ thập kỷ 70 thế kỷ XX để dùng cho sinh hoạt và làm nước uống bị phát hiện là nhiễm asen vào năm 1993).
Trước tình hình đó, một nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Sức khỏe Mỹ (NIH) đã cho thấy: uống 400 microgram axit folic/ngày sẽ giúp giảm lượng thạch tín trong máu đáng kể. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition vào tháng 10/2008.
Folate là vitamin B, tìm thấy nhiều trong rau lá xanh, hoa quả họ cam quýt, đậu đỗ và ngũ cốc nguyên cám. Axit folic cũng được tổng hợp dưới dạng viên nén. Tại Mỹ, folate được bổ sung vào bột mỳ và một số thực phẩm. Trong khi, tình trạng thiếu folate rất phổ biến ở Bangladesh.
“Axit folic bổ sung sẽ giúp tăng cường thải asen qua đường nước tiểu”, trưởng nhóm nghiên cứu, Mary Gamble, công tác tại ĐH Columbia, giải thích, “Đây là cách đơn giản và ít tốn kém để bảo vệ sức khỏe lâu dài cho những người từng dùng nước nhiễm thạch tín”.
Tuy nhiên, vẫn cần có thêm những nghiên cứu để xác định liều dùng và thời gian dùng để đạt hiệu quả cao nhất.